Hiện nay, lúa Thu Đông ở huyện Ba Tri đang bị chuột gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh- làm đòng, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của cây lúa. Diện tích toàn huyện Ba Tri bị chuột gây hại là 460 ha, trong đó phổ biến tỷ lệ gây hại 5-10%, cục bộ khoảng 20 ha có tỷ lệ gây hại > 20%. Nếu ngay từ bây giờ, nông dân không quyết liệt phòng trừ chuột thì chúng sẽ nhân mật số ngày càng nhiều và hoành hành lúa giai đoạn trổ, chín là điều khó thể tránh khỏi. Nguy hiểm hơn, nhiều nông dân đã tự phát diệt chuột bằng phương pháp giăng điện, tiềm ẩn nguy cơ chết người cần phải được ngăn chặn.
Chuột cắn phá lúa.
Chuột đồng là tên chung của các loài chuột mà nông dân ta gọi để chỉ chuột hại lúa. Để phòng trừ chuột có hiệu quả, trước tiên nông dân phải hiểu biết về chúng. Chuột hầu hết đều hoạt động về đêm và thường hay ẩn nấp. Cũng giống như đặc trưng của tất cả các loài gậm nhấm là có các răng cửa rất phát triển (sắc và nhọn) không chỉ để ăn mà còn để đào bới. Răng cửa của chuột phát triển liên tục nên chuột phải liên tục gậm nhấm bất cứ thứ gì dù ăn được hay không, để mài răng. Chuột có thị lực hơi kém và không phân biệt được màu sắc, nhưng bù lại các giác quan khác của chúng như thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác lại rất phát triển. Ria mép dài hay lông mọc quanh mõm chuột là xúc giác rất nhạy bén của chuột để tìm kiếm lối đi cũng như tổ của chúng. Chuột có thể phát hiện mùi hóa chất với hàm lượng rất thấp, vì thế chúng không ăn hoặc gặm những vật lạ nếu chưa xem xét kỹ. Chuột hoạt động nhiều nhất lúa chạng vạng tối, ban ngày chuột ẩn nấp trong hang và lùm bụi rậm rạp. Chuột thuộc dạng ăn tạp, hầu như bất cứ thứ gì các động vật khác ăn được là chuột ăn được. Trong thời kỳ sinh sản chuột mẹ không ra ngoài kiếm ăn khoảng 10-15 ngày, nên nếu đặt bã độc ngoài ruộng trong thời gian này hiệu qủa sẽ rất thấp, nếu sử dụng thuốc xông hơi sẽ đạt kết quả cao. Không chỉ đẻ nhiều lứa, số chuột con trong một lứa cũng rất nhiều. Do sớm thành thục, đẻ nhiều lứa trong một thời gian ngắn nên chuột dễ dàng bùng nổ mật số trên diện tích lớn. Các loài chuột đồng sinh sản mạnh nhất kể từ khi lúa làm đòng cho đến khi thu hoạch. Số lượng quần thể chuột trên đồng ruộng tăng cao nhất vào cuối mùa thu hoạch. Chuột cắn phá lúa suốt từ giai đoạn mạ đến giai đoạn trổ chín.
Muốn tránh thiệt hại cho vụ lúa này thì cần phải chủ động hạ mật số chuột từ vụ trước. Nguyên tắc diệt chuột: Sớm – Cộng đồng – Đồng loạt – Thường xuyên – Liên tục. Phòng trừ chuột nên áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp.
– Xác định cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ lúa thích hợp cho từng tiểu vùng. Không nên trồng nhiều loại cây trồng (bắp, mía, khoai …) trên cùng cánh đồng vì dễ tạo điều kiện thuận lợi về thức ăn và nơi cư trú cho chuột.
– Không để ruộng khô nước
– Không để đất hoang, lùm bụi rậm rạp giữa đồng… là nơi ẩn nấp lý tưởng của chuột. Kích thước bờ ruộng không nên lớn, nên dọn sạch cỏ trước khi gieo sạ.
– Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch: dọn sạch rơm rạ và đốt đồng sớm để hạn chế nơi trú ẩn và sinh sản của chuột
– Biện pháp đào hang bắt chuột: có thể kết hợp với hun khói hay đổ nước hoặc bỏ đất đèn vào hang và lấp kín cửa hang. Biện pháp này có ưu điểm là bắt được nhiều chuột cái sinh sản và chuột con, hạn chế được mật số chuột vụ sau .
– Sử dụng các loại bẫy: bẫy lồng, bẫy đập, bẫy hom, bẫy ống tre… tốt nhất dùng các loại bẫy ít gây tiếng động để tránh gây sợ cho chuột và cùng lúc có thể bắt được nhiều chuột. Bẫy đạt hiệu quả cao khi đồng ruộng thiếu thức ăn.Thời gian sử dụng tốt là giao thời giữa hai vụ lúa
– Bảo vệ các loài chim, thú. Nuôi chó, mèo,…
– Biện pháp hóa học: Biện pháp hóa học không những gây chết đối với chuột mà còn rất độc hại đối với người và gia súc, thuốc hóa học còn làm giảm các loài thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo, chim cú lợn,…gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Chỉ dùng thuốc hóa học trong trường hợp mật độ quần thể chuột cao. Sử dụng nhóm thuốc chống đông máu thế hệ mới như: STORM, KILLRAT,… nên thu gom xác chuột đem chôn để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Tuyệt đối không dùng điện để diệt chuột, đây là biện pháp hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến chết người. Chính quyền địa phương cần kiên quyết nghiêm cấm việc làm này để ngăn chận những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.
Nguyễn Thị Nguyệt
Công ty diệt chuột tai Bến Tre