Vừa qua, Trung tâm y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội phối hợp với TTYT huyện Chương Mỹ tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng bằng máy phun mù nóng tại các trường học, những khu đất trống, nơi công cộng, đình chùa… của các vùng ngập úng huyện Chương Mỹ như Nam Phương Tiến, Tân Tiến…
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chủ động bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phòng bệnh cho các em học sinh trước khi bước vào năm học mới, TTYT Dự phòng Hà Nội đã hỗ trợ TTYT huyện Chương Mỹ 4 máy phun mù nóng, 8 máy đeo vai cùng hóa chất và các nhân lực tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng…
Trên địa bàn xã Nam Phương Tiến có 4 trường học, xã Tân Tiến có 3 trường học đều được phun mù nóng trong các phòng học, xung quanh trường học để diệt côn trùng, đặc biệt là diệt muỗi.
BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội cho biết: “Công tác phun hóa chất diệt côn trùng phòng bệnh cũng rất cần thiết. Nhiều ngày qua, lực lượng chức năng tiến hành dọn vệ sinh môi trường, TTYT Dự phòng Hà Nội phối hợp với các TTYT huyện bị ngập như Chương Mỹ, Quốc Oai… đã tiến hành phun hóa chất phòng chống dịch bệnh trong nhiều ngày để khống chế dịch bệnh, đặc biệt là không để đàn muỗi sinh trưởng, gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân”.
Thực tế, nhiều ngày qua, ngay sau khi nước rút, TTYT huyện Chương Mỹ đã phối hợp với đội cơ động phòng chống dịch của TTYT Dự phòng Hà Nội triển khai tổng vệ sinh môi trường. Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đấy nhằm đảm bảo không để dịch bệnh xuất hiện. TTYT huyện Chương Mỹ đã phối hợp với trạm y tế các xã tiến hành xử lý khử trùng các khu vực bị ngập úng như rắc vôi bột, vệ sinh môi trường, vớt các loại rác thải khi trôi dạt vào bờ, thu gom, tập kết và xử lý; khơi thông hệ thống cống rãnh, các công trình vệ sinh ngoài trời…
Hiện nay, TTYT huyện Chương Mỹ đã tổ chức cấp phát thuốc, hóa chất cho các xã bị ngập úng gồm 4.688 túi thuốc; 5 túi thuốc cứu trợ; 15.200 lọ thuốc tra mắt Cloramphenicol 0,4%; 4.400 tuýp thuốc ngoài da Tomax 6g; 4.400 tuýp thuốc ngoài da Korcin 8g; 5.740 túi Cloramin B25%; 2.740 túi phèn chua…
Chị Nguyễn Thị Năm, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ chia sẻ: “Những ngày qua, gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi ngập úng và đã được cán bộ trạm y tế trực tiếp đến tận nhà cấp phát thuốc tra mắt, thuốc bôi ngoài da, phèn chua… miễn phí. Đồng thời, gia đình tôi được cán bộ y tế tư vấn các biện pháp phòng bệnh trước, trong và sau ngập úng. Gia đình đã chủ động giữ vệ sinh sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch, lựa chọn thực phẩm an toàn để giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh chống dịch bệnh. Sau khi nước rút, chúng tôi đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình sạch sẽ để ổn định cuộc sống”.
Trực tiếp giám sát, kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng chống dịch bệnh tại các hộ gia đình, trạm y tế, trường học của các vùng ngập úng huyện Chương Mỹ, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: “Hiện tại, huyện Chương Mỹ thực hiện rất tốt công tác vệ sinh môi trường, thực hiện đúng kỹ thuật và quy trình khử trùng. Qua công tác giám sát và thăm khám sức khỏe cho người dân chỉ phát hiện ca bệnh đơn lẻ, rải rác chứ không phải ổ dịch. Bên cạnh đó, để đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, TTYT huyện cùng các trạm y tế đã cấp phát thuốc phòng bệnh đau mắt đỏ, nước ăn chân, cấp hóa chất xử lý nguồn nước ô nhiễm… nên người dân đã được phòng bệnh trước đó rất tốt”.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, BSCK II Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, sau ngập lụt, các ổ nước đọng chính là nơi muỗi sinh sản, phát triển, truyền bệnh rất nhiều. Để chủ động phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng, ngoài các lực lượng phun hóa chất diệt muỗi thì chính quyền địa phương và chính mỗi người dân cần phối hợp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không để muỗi sinh trưởng gây ra dịch bệnh. Đồng thời, người dân cần thực hiện một số biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng chống các dịch bệnh như đau mắt đỏ, chân tay miệng, sốt xuất huyết…; ăn chín, uống sôi; sử dụng nguồn nước sạch; bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý; không nên sử dụng thực phẩm bị ngập úng lâu ngày.
Minh Khuê