Tại Sóc Trăng vụ lúa hè thu vừa qua thời tiết nhiều mây, có mưa phùn, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi để muỗi hành phát sinh, phát triển và gây hại mạnh. Trong khi đó, hiện nay sự phân bố của muỗi hành hầu như đã đều khắp. Do đó, việc phòng trừ muỗi hành cần được quan tâm với các giải pháp như sau:
Vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, diệt trừ triệt để lúa rài, lúa chét, lúa ma và cỏ dại, nhất là các loài cỏ là ký chủ phụ của muỗi hành như cỏ lồng vực, cỏ bắc, cỏ lông tây, cỏ san sát, cỏ ống…
Tổ chức sạ đồng loạt trong từng khu vực nhằm tránh sự lây lan từ trà lúa này sang trà lúa khác. Không bón dư phân đạm.
Xác định chính xác thời điểm xuất hiện và mật số của muỗi hành để đưa ra quyết định xử lý kịp thời, hiệu quả. Bẫy thau màu xanh da trời có chứa nước là biện pháp khả thi nhất, cho hiệu quả cao, rẻ tiền và rất dễ áp dụng trong thực tế để phát hiện muỗi hành chính xác nhất.
+ Cách đặt bẫy: Cho nước vào khoảng 1/3 thau nhựa màu xanh da trời có đường kính khoảng 20cm đặt ở ruộng, bờ ruộng gần nhà hoặc gần chỗ có đèn để thu hút thành trùng muỗi hành (Hình 3), trên cùng một trà lúa có thể đặt 3 – 5 bẫy /ha với bán kính khoảng 50 -100m , cho thêm một ít dầu hoặc xà bông rửa chén, để bẫy qua đêm, đến sáng kiểm tra mật số thành trùng muỗi hành rơi vào bẫy.
+ Thời điểm xử lý phòng trừ muỗi hành:
Trước đây muỗi hành thường xuất hiện trên ruộng lúa ở giai đoạn 20 ngày sau sạ và chỉ có 1-2 lứa muỗi hành/vụ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, muỗi hành ở ĐBSCL có diễn biến rất phức tạp, xuất hiện rất sớm khi lúa khoảng 7-10 ngày sau sạ, có hiện tượng gối lứa nên muỗi hành liên tục có mặt trên ruộng từ khi sạ đến trổ. Vì vậy xác định thời điểm để xử lý muỗi hành kịp thời là vấn đề cần thiết để nâng cao hiệu quả phòng trị trong thực tế sản xuất khi áp lực dịch hại cao kết hợp điều kiện thời tiết thích hợp.
– Khi phát hiện có thành trùng muỗi hành rơi vào bẫy với mật số khoảng 2-5 con/bẫy (tương đương 20 con/m2) là tiến hành phun thuốc hóa học. Trường hợp lúa có thời gian sinh trưởng dài (trên 115 ngày) thì 20-24 ngày sau phun lần 1, kết hợp với quan sát bẫy có thành trùng muỗi hành rơi vào bẫy với mật số khoảng 2-5 con/bẫy (tương đương 20 con/m2) có thể tiến hành phun thuốc hóa học lần 2.
Một số loại thuốc hóa học có thể sử dụng:
– Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (tên thương mại Tasodant, Cabatox 600EC, Dagronindia 585EC)
– Chlorantraniliprole (tên thương mại Prevathon, ….)
– Alpha Cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl + Indoxacarb (tên thương mại Vitashielf Gold, ….)
– Fipronil (tên thương mại Regent, Access 180EC, Agenda 25EC)
Khi phun thuốc nên pha thêm chất bám dính.
Để bảo vệ vụ lúa Hè Thu khỏi sự gây hại của rầy nâu, các bệnh do rầy nâu truyền và muỗi hành, cần tổ chức phòng trừ sớm, đồng loạt, thường xuyên và áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp./.
Công ty diệt muỗi Việt Nam Pest Control