Các loại côn trùng và dịch hại thường hay hiện diện và gây hại trong vườn rau, hoa hoặc cây ăn trái, đe dọa đến sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, những người làm vườn cần nghiên cứu tập tính sinh hoạt, cách gây hại của chúng. Bài viết này nhằm cung cấp những biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, trong đó nhấn mạnh biện pháp phòng trừ sinh học và hữu cơ.
1. Kiến
Các nhà khoa học cho rằng có khoảng trên 14.000 loài kiến trên khắp thế giới. Một số loài trong đó rất hữu ích, giúp người làm vườn phòng trừ sinh học. Một số loài lại cắn cơ thể con người rất đau và độc. Một số loài lại phá hại cây trồng, vì thế, phòng trừ kiến tập trung vào nhóm kiến này. Thường những loài kiến đen nhỏ lục lọi tìm kiếm thức ăn, khi thấy chỉ một vài con kiến thì có khả năng đã có dấu vết đường đi ở đó và cả một đoàn kiến đang di chuyển trên đường đi quen biết của chúng.
Trong vườn rau, kiến “trông coi” rầy mềm (aphid), thậm chí có thể dịch chuyển những con rầy mềm này đặt vào những cây trồng phù hợp nhằm hút dịch ngọt do rầy mềm tiết ra sau khi chúng hút nhựa cây. Rệp bông (Mealy bug) và rệp vảy (Scale) là những loài côn trùng có cơ thể mềm khác tiết dịch ngọt hấp dẫn kiến đến thu nhặt. Kiến tạo thành những đường hầm và làm tổ trong đất vườn làm xói mòn rễ cây và phá hại mọi thứ trong vườn khi không được phòng trừ.
Mục đích phòng là chính nên dùng thuốc xua đuổi hơn là tiêu diệt chúng bởi vì khi kiến bị tấn công, một số kiến tập hợp trứng của chúng và di chuyển đến vị trí khác. Vì thế mục tiêu chúng ta là làm cho chúng di chuyển tổ đến nơi khác mà không gây hại cây vườn.
Sau đây là một số phương pháp để xua đuổi kiến:
– Hàn the (borac, natri tetraborat) có thể sử dụng như là thuốc trừ sâu thiên nhiên, nhưng chú ý giữ xa trẻ em, động vật trong nhà. Khi dùng chú ý che mắt, mũi, đeo găng tay và rửa sạch sau khi làm xong. Borac trộn với bơ đậu phộng hoặc là những thứ ngọt như mật ong, làm cho kiến thích ăn và mang thức ăn đó vào tổ cho cả đàn cùng ăn nhằm tiêu diệt cả đàn kiến.
– Ngoài ra chất điatômit (đá tảo diatomite) dùng rải trên lối đi của kiến có thể tiêu diệt chúng do làm mất nước khi chúng đi về tổ.
– Cũng có thể dùng dung dịch gồm tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước phun trừ kiến nhưng tốn nhiều thuốc vì chúng quá nhiều.
– Thấm nhẹ dung dịch gồm một ít mứt, mật ong hoặc nước đường (có thể thêm borac) trên nền cây bị nhiễm rầy mềm (aphid). Như vậy sẽ giữ kiến lại, trong khi chúng ta thiết lập một số bọ rùa (ladybugs) tiêu diệt rầy mềm. Không cần phun xịt trừ kiến vì chúng ta chỉ trừ kiến trên cây, trong khi chúng có cả đàn dự trữ dưới mặt đất có thể nhanh chóng xuất hiện trở lại.
– Gọt vỏ quả dưa leo trên lối đi của kiến làm cho chúng tránh xa một thời gian do chúng có bản tính tự nhiên không thích dưa leo.
– Khi thấy tổ kiến, có thể rải một hoặc các thứ sau: tiêu đen, bột quế hoặc bột ớt, muối có thể làm cho kiến trở thành mê loạn, điên cuồng mà bỏ đi nơi khác.
– Dùng nước đun sôi dội lên kiến nhưng tránh hư hại cây. Có thể dùng nước nóng rót vào tổ diệt kiến chúa, nhưng thường khó vì chúng làm tổ rất sâu và ngăn không cho nước mưa và nước lụt tràn vào.
2. Rầy mềm (Aphid)
Lá của cây đại hoàng (Rheum officinale) có tính độc đối với rầy mềm, do đó, trà nấu từ lá cây này gây độc cho động vật, côn trùng như là bét, rầy mềm, ruồi trắng (white fly), sâu bướm v.v… Có thể dùng nước sôi dội vào lá cây đại hoàng đã nghiền rồi ngâm vài ngày. Sau đó lọc, thêm ít bột xà phòng và pha loãng như pha trà loãng rồi xịt trên cây bị nhiễm. Phun lập lại sau khoảng 10 ngày.
Cũng có thể dùng tỏi hoặc ớt để phun xịt.
3. Chim
Hầu hết chim có lợi vì ăn sâu bọ, đặc biệt trong mùa nhân giống vì chúng có nhu cầu ăn nhiều protein. Một số loài chim gây hại xé lá cây làm tổ, ăn trái chín, làm hỏng mái nhà…
Một số biện pháp xua đuổi chim:
– Treo các đĩa CD cũ phản chiếu ánh sáng làm cho chim nghi ngờ không dám đến.
– Làm bù nhìn đuổi chim.
– Rắn giả: Rắn cao su đồ chơi gắn vào vườn nơi dễ nhìn thấy làm cho chim e sợ.
– Vật đuổi chim siêu âm: Vật đuổi chim siêu âm này phóng ra nhiều âm thanh cao thấp như là tiêng kêu thất thanh, tiếng dã thú, hoặc tiếng kêu kinh hoàng… mà con người không nghe được nhưng sẽ làm cho chim khiếp sợ và cho động vật khác tránh xa. Vật đuổi chim siêu âm này có bán ở các nước phát triển.
– Ngoài ra còn nhiều cách khác…
4. Sâu bướm
Để ngăn cản bướm đêm và ấu trùng trên cây bắp, cây ăn trái, cây họ cải bắp (cây bông cải xanh, cải bina, cải bắp, súp lơ…), chỉ đơn giản phun với một hỗn hợp mật đường. Trộn 1 thìa lớn mật đường với 1 lít nước nóng, cộng thêm 1 thìa nhỏ xà phòng lỏng và cho vào bình phun. Phun lên lá, từ trên chóp cây đến gôc cây để diệt ấu trùng sâu bướm và các loài rệp khác.
Đồng thời cũng sử dụng tỏi và lá cây đại hoàng phun xịt như đối với rầy mềm (aphid).
5. Sâu tai (Earwigs)
Nếu sâu tai ăn trên cây, nhằm loại bỏ côn trùng này bằng cách vò nhàu một số tờ báo cũ rồi đặt trong một chậu đất. Đem chậu này đặt trong vườn. Con sâu tai sẽ ẩn náu trong những tờ báo một khi chúng nghỉ ăn. Đến sáng sớm, lấy những tờ báo ra và và giật mạnh làm cho những con sâu tai này văng ra nơi khác hoặc rớt vào sô nước nóng đặt sẵn phía dưới để tiêu diệt chúng.
6. Bọ chét
Gồm bọ chét nhà và bọ chét vườn. Nhằm ngăn cản bọ chét ngoài việc sử dụng điatomit và phun xịt chất này trên giày và vớ khi bước vào vườn có nhiễm bọ chét. Cách này giúp ngăn chận bọ chét (nhiễm với chó, động vật trong nhà) sẽ không đi vào cơ thể người. Điatômit gồm một lượng lớn hóa thạch cực nhỏ, tảo cát (diatom) vỡ vụn. Nó trông giống như bột và không gây hại cho động vật và người. Nó có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhỏ và bọ chét, rệp bằng cách bám vào cơ thể chúng và làm mất nước. Nó thường được sử dụng trong các si lô tồn trữ hạt lương thực vì thế nó có thể có sẵn ở các đại lý. Nó an toàn cho người và động vật khi ăn vào bụng để diệt giun sán, nhưng nó là bột rất mịn nên tránh hít thở vào.
Ngoài ra, cây bạc hà có mùi hăng, là cây có mùi khó chịu trồng gần cửa và trong vườn xua đuổi bọ chét. Có thể dùng xà bông làm từ cây này dùng để tắm bảo vệ tránh bọ chét cho động vật và chó mèo nuôi trong nhà.
7. Rệp bột (Mealy bugs)
Loại côn trùng này có nhiều và hại nhiều loại cây vườn. Chúng có cơ thể mềm, có màu hồng nhạt và màu trắng, hoặc xám trắng. Là loại côn trùng hút nhựa cây tương tự như loài rệp vảy (Scale). Cây trong vườn, trong nhà rất dễ nhiễm loại côn trùng này vì ở môi trường bị che khuất. Trong vườn thì chúng thích nhà lưới, và cây trồng gần hoặc trong điều kiện được che bớt mưa, nắng, ánh sáng…
Rệp bột được nhân đàn nhanh chóng và hút nhựa cây gây ra rối loạn sinh trưởng và lùn cây. Chúng dễ tiêu diệt bằng tay hoặc dùng miêng bông gòn nhúng cồn chấm nhẹ vào. Chúng có một lớp sáp mỏng bao bọc cơ thể. Vì thế những thứ mà có thể đốt cháy như cồn, rượu mạnh, có thể diệt chúng do làm mất nước. Làm chết ngạt bằng cách dùng dầu nóng cũng có hiệu quả. Cũng có thể dùng các chất phun xịt như đối với rệp vảy (bên dưới).
8. Rệp vảy (Scale)
Có rất nhiều loài rệp vảy và có màu sắc khác nhau. Trong vườn phát hiện ra chúng bằng cách nhìn kỹ vào cành, lá nơi chúng thường bám đầy và có vảy màu đen, nâu hoặc xanh. Trong vài trường hợp, có thể bất ngờ khi nhận thấy trong thời gian ngắn cây trồng bị nhiễm còi cọc và chết. Vì vậy cần khống chế rệp vảy càng sớm càng tốt khi phát hiện. Rệp vảy tụ tập trên lá, cuống, thân, chích hút nhựa cây làm cây lùn và còi cọc rồi chết.
Nấm có màu đen gọi là bồ hóng mọc trên dịch ngọt do rệp vảy tiết ra. Nấm này làm cho cây mọc yếu và có hình dạng khó nhìn. Kiến cũng thích dịch ngọt của rệp vảy và sẽ giúp cho rệp vảy càng nhiều càng tốt cho kiến.
– Vài con rệp vảy có thể dùng tay diệt, dùng dao hoặc bàn chải diệt, nhưng phải kiểm tra thường xuyên để phòng trừ.
– Pha chế thuốc hữu cơ diệt trừ rệp vảy (Đây là giải pháp phòng trừ dịch hại trong vườn bằng hữu cơ không độc hại cho người và môi trường). Thành phần gồm: Tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước. Đừng để dung dịch này trong nhà. Tùy theo độ mạnh dung dịch có thể diệt chuồn chuồn và kiến. Pha chế dung dich như sau: 2-3 củ tỏi (khoảng 6-10 tép tỏi mỗi củ), 6 hoặc 12 muỗng bột tiêu hoặc 1 – 2 muỗng bột ớt cay, 1 muỗng dầu thực vật, 1 muỗng cà phê xà phòng lỏng, 7 tách nước (2-3 tách dùng để trộn còn lại đổ đầy sau đó). Đổ toàn bộ thành phần trên vào một dụng cụ trộn và lọc qua vải hoặc qua dụng cụ lọc cà phê hoặc bộ lọc nhỏ hơn. Rót dung dịch đã lọc vào bình phun để sử dụng. Số còn lại cho vào chai lọ đậy kín và cho vào tủ cất giữ , chú ý có dán nhãn, tránh dùng nhầm.
Dùng dung dịch này phun diệt rệp vảy, nó diệt ấu trùng cũng như làm chết ngạt thành trùng có bọc lớp sáp mỏng trên thân.
Cũng có thể pha trộn ¼ muỗng cà phê dầu thực vật, 2 muỗng sođa bicacbonat và 1 muỗng xà phòng lỏng vào khoảng 10 lít nước phun 1 lần/tuần trong vòng 3 tuần hoặc cho đến khi diệt hết rệp vảy.
9. Ruồi trắng (White fly): Ruồi trắng là một loài côn trùng nhỏ có cánh (Hemiptera: Aleyrodidae). Loài ruồi này gồm khoảng 1500 giống khác nhau. Thân thường có phấn và sáp bao che, lại hay bám vào mặt sau của lá cho nên khó lòng diệt trừ.
Ruồi sinh sản nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã lan tràn khắp vườn, làm cho cây bị úa lá và bị nhiễm trùng nhiễm nấm. Ruồi trắng hút hút nhựa cây già lẫn cây non, chúng tiết ra một chất mật, dẫn đường mang kiến và rệp đến. Sau khi có cánh chúng di chuyển sang một cây khác bất kể là giống cây nào và ruồi trắng là kẻ truyền bệnh và vi rút từ cây này sang cây khác.
Phòng trừ:
– Gió làm cho ruồi trắng tránh đi xa nơi khác.
– Tưới nước cho cây với vòi phun mạnh cũng có tác dụng làm chúng biến mất tạm thời.
– Trộn khoảng 1 – 2 muỗng cà phê bột giặt trong một lít nước hoặc trộn đều một nửa ly trà dầu giấm trong 1 lít nước với một ít bột giặt phun vào cây bị nhiễm ruồi trắng cả mặt dưới lá làm cho chúng bị dính cánh mà không bay được.
– Ruồi trắng còn bị hấp dẫn bởi màu vàng, do đó lấy một chất liệu có tính dính như là dầu bôi trơn vazơlin, dầu thầu dầu, nhựa cây thiên nhiên. Treo một túi nilon có màu vàng sáng , bôi chất liệu dính vào mặt ngoài của bao nilon rồi buộc vào cọc hoặc bôi chất dính vào chậu nhựa có màu vàng hoặc sơn lớp dính lên trên tấm ván có màu vàng sáng để nhử ruồi trắng bay vào và mắc kẹt dính ở đó.
– Nếu cần, lay động thân cây bị nhiễm ruồi trắng làm cho chúng rơi vào chậu nhựa màu vàng có bôi chất dính làm chúng rơi vào để tiêu diệt.
– Thường các nơi bán cây và các vật dụng làm vườn đều có bán những cuộn giấy hay những miếng giấy hay nhựa có trét keo. Hãy treo những giấy này ở các góc tối, ruồi trắng sẽ bị mầu vàng thu hút và bám vào trước khi tìm lá cây để đẻ trứng. Những miếng keo này sẽ bị khô trong vòng 2 tháng nên cần thay đổi miếng keo mới.
10. Bù bạch:
Bù lạch còn gọi là bọ trĩ, là một loại côn trùng rất nhỏ nhưng phá hại trầm trọng trong vườn.
Những bọ trĩ trong vườn cực nhỏ nạo khoét những tế bào bề mặt lá và chích hút diệp lục tố. Những tế bào bị đào lõm không khí lọt vào có màu trắng bạc và nhìn mỏng như giấy. Sau đó chuyển thành màu hơi nâu, nhăn nheo và có những đốm đen là những con bọ trĩ đang nhảy trên đó. Một số loài bọ trĩ còn truyền bệnh vi rút, chẳng hạn vi rút gây bệnh héo rũ cà chua cho nhiều loại cây và rau.
Cần dọn sạch cỏ dại là nơi cư trú của bọ trĩ. Bọ trĩ thường ở qua mùa đông trong tán lá gần mặt đất rồi chuyển sang cây thích hợp trong mùa tới. Dùng dung dịch nước tỏi phun trừ bọ trĩ. Ngoài ra còn nhiều loại côn trùng (thiên địch) ăn thịt sống ở nhiều nước khác nhau có thể phòng trừ sinh học bọ trĩ. Trong đó, bọ mắt vàng (Chrysopa spp.) là đối tượng thiên địch tốt cho phòng trừ sinh học.
11. Nhện đỏ
Có hàng triệu loài nhện chưa biết tên, nhiều loài tương tự như bọ trĩ. Trong vườn có loài nhện 2 đốm thường gọi thông thường là nhện đỏ bởi vì trong điều kiện thời tiết lạnh chúng thay đổi từ màu xanh nhạt với 2 đốm đỏ sang màu cam hoặc màu đỏ, trông giống một con nhện đỏ thu nhỏ.
Giống như bọ trĩ, nhện đỏ chích hút chất diệp lục từ lá cây. Nhện đỏ để lại các đốm trắng mờ khi cây bị hại và không có màu đen như con bọ trĩ. Trong trường hợp nhiễm nặng một mạng nhện óng ánh như tơ thấy rõ ràng, mạng nhện được tiết ra do nhện đỏ để tự bảo vệ kẻ thù và chống lại chất độc, những mạng nhện này có thể bao phủ toàn thân cây.
Dùng các loài nhện thiên địch ăn thịt trong tự nhiên để trừ nhện đỏ. Các loài nhện ăn thịt, ong ký sinh, bọ rùa và bọ mắt vàng đều là những thiên địch ăn thịt nhện đỏ. Dùng phân ủ hoặc lớp bổi phủ gốc để kích thích nhện có ích nhằm cân bằng sinh thái.
Dùng xà phòng phun diệt trừ loài nhện đỏ. Phun hàng tuần cho đến khi nhện đỏ biến mất, sau đó phun hàng tháng tránh cho chúng không quay trở lại. Ngoài ra cũng dùng những loại hỗn hợp hữu cơ khác như dùng phun trừ loài sâu bướm trên đây.
12. Chuột nhắt
Trường hợp chuột từ vườn vào nhà phá rối, cần phải chú ý dọn dẹp thức ăn, đồ uống trong nhà cẩn thận. Không để rơi vãi thức ăn, thức ăn phải đậy kín trong tủ và dọn sạch các mẩu thức ăn thừa.
Ngăn cản chuột xâm nhập bằng dầu bạc hà cay hoặc dầu khuynh diệp – dùng vải hoặc bông gòn thấm dầu rồi đặt nơi chuột thường lui tới. Nếu đặt bẫy, dùng mồi bơ đậu phộng, phó mát, hoặc bánh mì…
13. Chuột đồng
Không giống như chuột chù (chuột chũi), chuột đồng chỉ ăn rễ và vỏ cây hơn là ăn côn trùng và giun. Nên dùng bẫy chuột để diệt trừ chuột đồng. Mồi cài bẫy là những thức ăn phải có mùi thơm hấp dẫn chuột, rồi đặt bẫy theo lối đi của chuột. Nếu cần, nên đặt bẫy trong một chiếc hộp chỉ chừa 1 lỗ cho chuột đi vào nhằm tránh con vật khác hoặc trẻ em mắc bẫy. Nên đặt vào ban đêm, duy trì kiểm tra, dịch chuyển chỗ đặt bẫy và thay mồi cho đến khi bắt được chuột.
14. Sên
Con sên có tập tính giống như ốc sên nhưng toàn thân mềm, nhớt không có vỏ cứng bao bọc.
Chúng cắn phá cây non, chú ý phòng trừ bằng cách kiêm tra vào lúc tối giống như kiểm tra ốc sên. Trường hợp môi trường ẩm ướt hoặc sau khi mưa, sên thường xuất hiện nhiều. Không dùng tay để bắt vì chúng nhớp nháp khó chịu (khác với ốc sên). Nên dùng xẻng xúc chúng vào một cái thau ,rồi đem chúng đặt vào nơi không nguy hại.
Nếu cần có thể dùng muối rải lên sên hoặc ốc sên để diệt trừ. Cần mang theo đèn pin khi đi vào vườn, tránh làm tổn thương cây trồng.
Ốc sên và sên không thích cát, vì chúng không thích đi qua cát. Rải 1 lằn cát rộng khoảng 1 cm quanh vườn, quanh các hố cây cũng có tác dụng ngăn chặn chúng vào phá cây vườn.
Không cần phun thuốc để trừ sên như đối với côn trùng.
15. Ốc sên
Đối với ốc sên phương pháp phòng trừ gần giống như đối với sên. Cũng có thể dùng rượu bia rót vào một chảo cạn đặt trong vườn để bẫy sên và ốc sên trong vườn vào buổi tối. Có thể dùng dấm thay cho bia, rót vào chảo như trên cũng có tác dụng tốt.
Ngoài ra còn dùng vỏ trái bưởi hoặc vỏ cam rỗng và lật úp vỏ đặt quanh vườn cũng có tác dụng hấp dẫn sên và ốc sên tụ tập vào. Sáng sớm vào vườn để thu nhặt ốc sên và sên ẩn náu dưới vỏ cam và vỏ bưởi để diệt trừ.
16. Bệnh mốc sương, nấm mốc, nấm, một số bệnh khác…
Cây trồng mà nhiễm nấm, mốc sương như các loại đậu, bí, dưa leo, dưa chuột… có thể dùng sữa nguyên kem phun một vài ngày trên tán lá cho tới khi nấm mốc sương hết.
Nếu những mảng nhỏ của bệnh mốc sương màu trắng chỉ mới bắt đầu, có thể tiêu hủy ngăn chặn lan rộng bằng cách dùng dung dịch sữa pha loãng với một phần nước.
Nếu tình trạng khó phòng trừ, có thể ngắt bỏ tán, lá bị bệnh hoặc toàn bộ cây tiêu hủy.
Hiện tượng cây con chết do nguyên nhân nhiễm nấm bệnh trong điều kiện ẩm ướt gọi là bệnh thối rạp “Damping off” do những loài nấm Phytophthora và Pythium gây ra. Cây con của nhiều loài rau, đậu như rau diếp bị bệnh đột ngột đổ rạp xuống và thối rữa. Đó là do điều kiện ẩm ướt, chật chội (mật độ cây dày) hoặc quá nhiều than bùn có thể gây ra bệnh này. Vì vậy, kiểm soát bệnh này bằng cách giữ mặt đất khô sau khi tưới, thậm chí có thể rải một lớp cát trên mặt đất. Cát giữ đất khô cũng sẽ giúp phòng trừ một loại ruồi nhuế (Sciarid Fly) hay còn gọi là muỗi nấm (Fungus gnats). Loài này có màu đen và rất nhỏ bé, bò và bay chung quanh và phía trên mặt đất. Chúng đẻ trứng và ấu trùng của chúng sẽ gây hại cây con do ăn phần rễ của cây.
Cũng có thể dùng trà hoa cúc La Mã để làm làm thuốc trừ nấm bằng cách pha một tách trà hoa cúc La Mã và ngâm trong vòng 10 phút. Khi đã nguội, có thể phun trên những lá nhiễm bệnh nấm nói trên kể cả trên ngọn và dưới gốc để diệt trừ.
Có thể dùng bột cây quế rắc chung quanh cây và đất cũng giúp phòng trừ nấm bệnh.
Nếu có điều kiện làm phân ủ lá chè sẽ rất hiệu quả. Phân ủ với lá chè giúp cân bằng vi sinh vật và vi khuẩn trong đất, chống lại sinh vật gây bệnh và giúp các vi sinh vật có ích hoạt động khỏe mạnh cũng như cung cấp dinh dưỡng cho cây giúp phát triển tốt và kháng bệnh.
Một cách nữa là có thể dùng nước phân chuồng để phun phòng trừ bệnh trên. Phân chuồng hoai mục có chứa rất nhiều vi sinh vật có ích. Các vi sinh vật này có thể phòng trừ các nấm gây bệnh cây. Phân chuồng này gồm phân động vật ủ với xác bã thực vật. Cách làm: Đổ 4 lít nước phân chuồng vào thùng có 20 lít nước và quấy đều, để chỗ ấm cho lên men trong 3 ngày, sau đó lọc để phun.
Trên đây là một vài phương pháp sử dụng các chất hữu cơ để phòng trừ côn trùng và dịch hại trong vườn nhà. Tuy nhiên, nông dân cần chú ý, dù sử dụng nguyên liệu thiên nhiên nhưng không nên để bay vào mắt, hoặc chạm tay vào mắt khi pha trộn để phun. Cần dán nhãn lên chai đựng dung dịch phun và để tránh xa trẻ em.
Nguồn: Nguyễn Công Thành – Viện KH Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam