Muỗi đục lá và sâu bướm phượng đang phát triển trên các vườn Bưởi Da xanh trong mùa mưa

Công ty diệt côn trùng – Bưởi Da xanh là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và là một trong những loại trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre. Vì thế, diện tích bưởi Da xanh trong tỉnh Bến Tre nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung ngày càng mở rộng…

​Hiện nay, diện tích bưởi Da xanh của Tỉnh đã phát triển trên 7.000 ha. Song song với việc mở rộng diện tích, đồng thời ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, dịch hại ngày càng phát triển nhất là một số đối tượng dịch hại trước kia là thứ yếu nhưng nay có thể trở thành chủ yếu như muỗi đục lá và sâu bướm phượng đang bộc phát.

Muỗi đục lá thuộc bộ Diptera, họ Cecidomyiidae. Thành trùng là một loài muỗi nhỏ, màu vàng nhạt, cơ thể được phủ một lớp lông mịn. Kích thước trưởng thành từ 1,1 -1,5mm (con đực nhỏ hơn con cái).  Trứng rất nhỏ, mắt thường khó có thể nhìn thấy. Trứng có dạng bầu dục, màu trắng, trong suốt. Khi sắp nở trứng có màu vàng, khoảng 1-2 ngày trứng nở. Ấu trùng dạng dòi, mới nở màu trắng, hơi trong có thể nhìn thấy đường màu xanh chạy dọc thân đó là thức ăn trong bộ phận tiêu hóa của chúng, ít linh hoạt. Khi tuổi lớn có màu vàng, dài khoảng 1,6- 1,8mm. Ấu trùng tuổi cuối chúng linh hoạt hơn tuổi nhỏ và có khả năng búng xa, khi đủ sức thì buông  mình xuống đất hóa nhộng, giai đoạn ấu trùng khoảng 7-9 ngày. Khi mới hóa nhộng, nhộng có màu trắng trong và chuyển màu nâu đen khi gần vũ hóa. Chúng sống trong các đọt non  còn dạng “búp trà”.  Giai đoạn nhộng 3-4 ngày.

Muỗi trưởng thành đẻ trứng trên các chồi bưởi vừa mới nhú ra khoảng 1cm, sau đó nở ra dòi, chúng chui vào giữa lá còn búp ăn phần diệp lục của lá. Triệu chứng để  nhận biết sự xuất hiện của côn trùng này là những  lá non có màu hơi vàng nâu, sau đó  lá chuyển màu nâu đen và rụng, chỉ còn trơ lại cành chồi. Nếu nông dân phát hiện giai đoạn này thì quá trễ mà phải quan sát khi đọt vừa mới nhú ra khoảng 1-2cm, dùng tăm vạch lá non sẽ thấy dòi sinh sống trong đó với mật số rất cao, đôi khi trong một lá có trên 10 con dòi. Gây hại nặng vào mùa mưa.

Muỗi đục lá gây hại ở giai đoạn chồi non mới phát triển, nên phun thuốc vào lúc chồi non chưa mở để bảo vệ trong những thời điểm chúng bộc phát mạnh. Cần vệ sinh vườn cho thông thoáng. Không trồng quá dày. Sử dụng thuốc trừ sâu gốc cúc tổng hợp để phòng trừ.

Chú ýDo vòng đời Muỗi đục lá ngắn nên rất mau tái phát, do đó phải theo dõi thường xuyên khi ra chồi mới để xử lý kịp thời.

Trong mùa mưa, bưởi ra đọt non liên tục nên ngoài muỗi đục lá còn có sâu bướm phượng gây hại phổ biến. Sâu bướm phượng thuộc nhóm sâu ăn lá. Trưởng thành là loại bướm có màu sặc sỡ, màu vàng đen có những đốm hình bầu dục trắng. Thân dài 2,5- 3cm, chiều dài sải cánh khoảng 9-10cm. Trứng hình tròn, đường kính khoảng 1mm, khi mới đẻ có màu trắng, sau đó trứng chuyển màu vàng sẫm. Trứng thường được đẻ rải rác 1-3 trứng trên mặt lá non thường ở rìa lá, trứng có kích thước khá lớn, màu  trắng gần nở chuyển màu nâu đen. Sâu non màu xanh lá cây, đẫy sức có thể dài từ 3-3,5cm. Chúng gây hại rất phổ biến ở các vùng trồng cây có múi. Sâu non ăn rải rác trên lá non làm cho lá bị khuyết, ảnh hưởng đến quang hợp của cây. Trưởng thành hoạt động chủ yếu vào buổi sáng. Sau khi nở sâu ăn hết vỏ trứng và bắt đầu cắn phá lá non, sâu tuổi nhỏ chỉ gặm khuyết bìa lá, ở tuổi lớn sâu ăn cả lá, đọt và cành non. Nếu mật số cao, sâu có thể ăn trụi cả đọt non làm cây còi cọc, kém phát triển. Sâu thường ẩn nấp trong các cành lá, khi ăn mới bò ra ngoài. Màu sắc của sâu ngụy trang rất giống màu lá, nên mặc dù kích thước khá lớn nhưng khó phát hiện. Khi đẩy sức, sâu nhả tơ treo mình vào cành để hóa nhộng. Hàng năm sâu Bướm phượng xuất hiện và gây hại nhiều trên vườn bưởi từ tháng 4 đến tháng 9.

*Biện pháp phòng trừ

Trong điều kiện tự nhiên, sâu Bướm phượng có nhiều thiên địch như kiến vàng, bọ rùa,…ngoài ra trứng và nhộng của sâu bướm phượng thường bị ong ký sinh  vì thế không cần thiết sử dụng thuốc hóa học nếu mật độ thấp. Nuôi kiến vàng là biện pháp tốt nhất hạn chế nhóm sâu ăn lá.

-Thường xuyên thăm vườn để ngắt bỏ ổ trứng, ấu trùng và nhộng của sâu khi phát hiện.

– Vệ sinh vườn cây thông thoáng, dọn dẹp những cây hoang dại là nơi trú ẩn của bướm phượng.

– Khi mật độ cao có thể sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh như: ViBT, Dipel, Biocin,… hoặc phun chế phẩm Nấm xanh để phòng trị. Nên phun vào giai đoạn ấu trùng tuổi nhỏ và phun vào lúc chiều mát thì mới đạt hiệu quả cao.

Cần lưu ý ở một số vườn có kiến vàng khi phun thuốc nên phun vào lúc chiều mát lúc kiến vàng vào tổ sẽ hạn chế ảnh hưởng đến kiến.

KS. Huỳnh Hữu Đoàn

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành

Công ty diệt côn trùng tại Bến Tre