98% muỗi trưởng thành bị diệt sau phun hóa chất

Chiều 25/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) Trần Như Dương cho biết, theo kết quả đánh giá sau 24 giờ phun hóa chất cho thấy có khoảng 98% muỗi trưởng thành đã bị diệt, như vậy hiệu lực của thuốc tốt.

Theo các chuyên gia, hóa chất sử dụng diệt muỗi tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội là thuốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong phòng chống sốt xuất huyết. Loại hóa chất diệt muỗi này, trước khi đưa vào sử dụng đã được đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt về hiệu lực cũng như tính an toàn.

Lý giải phản ánh của nhiều người dân về việc sau phun hóa chất ở Hà Nội vẫn xuất hiện muỗi, Viện trưởng Trần Như Dương cho biết, nguyên nhân là do việc diệt bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi công cộng chưa được triệt để. Vì vậy, chỉ sau vài ngày, thậm chí bọ gậy già chỉ sau vài giờ lại nở thành muỗi và xâm nhập vào nhà tiếp tục trở thành nguyên nhân gây bệnh cho người dân. Như vậy, muỗi sau phun hóa chất là do bọ gậy nở ra chứ không phải do chất lượng của hóa chất diệt muỗi.

Xe phun thuốc muỗi công xuất lớn vào buổi đêm (Ảnh Minh Khuê)

Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế tại cuộc họp cũng cho thấy, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để. Cụ thể: 10% hộ gia đình đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%.

Trong khi đó, mỗi đội phun thuốc diệt muỗi chỉ có một người phun là chưa hợp lý. Bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu, do đó người phun dễ dẫn đến ngại leo sau khi đã thấm mệt (theo quy định mỗi đội phun phải gồm 2 cán bộ phun và 1 cán bộ kỹ thuật).

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội. Hiện tình hình dịch bệnh không chỉ ở các quận nội thành mà còn tại các huyện ngoại thành như: Thanh Trì,Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh (những nơi đang có xu hướng gia tăng số trường hợp mắc bệnh).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, để phòng chống dịch hiệu quả, Hà Nội và các địa phương khác không được chủ quan và phải chủ động các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục phân tuyến, phân loại điều trị bệnh nhân, tránh quá tải, giảm tử vong do dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt là chú trọng tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, tích cực truyền thông để người dân tự giác phòng bệnh. Đặc biệt, thời gian tới là thời điểm bắt đầu năm học mới nên Hà Nội phải kiểm soát tốt ở tất cả các trường học, không để học sinh, sinh viên bị mắc sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1/1 đến 22/8, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện và tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện là hơn 2.300 người; xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình có 2.700 bệnh nhân/ngày).

Minh Khuê (laodongthudo)